Lịch sử Cầu Chương Dương

Những năm 80 của thế kỷ XX, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Do làn đường ôtô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra và cầu được mệnh danh là cây cầu dài nhất thế giới do xe phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới qua được. Trong khi đó, cầu Thăng Long còn đang dở dang và dù có xong thì nó cũng không chia sẻ được nhiều do vị trí quá xa trung tâm. Do vậy, dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một và chủ trương ban đầu là làm tạm một cầu treo. Lúc bắt đầu khởi công, công trình được mang tên "Cầu treo mùa xuân". Trách nhiệm chỉ đạo xây dựng cầu được giao cho tân Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Danh Lưu.

Ông Bùi Danh Lưu cùng lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải Bộ Giao thông vận tải thuyết phục Chính phủ làm cầu sắt vĩnh cửu với tốc độ làm cầu treo. Được đồng ý, ông cho tận dụng vật liệu "đầu thừa đuôi thẹo" là một số thanh thép phục vụ thi công cầu Thăng Long và rất nhiều dầm cầu đường sắt. Để các dầm sắt này phù hợp khổ cầu đường bộ như cầu Chương Dương, ông Lưu đã phải chỉ đạo "chế sửa" lại theo cách riêng mà thế giới chưa từng làm.

Sau một năm chín tháng, vào ngày 30-6-1985, cầu Chương Dương khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên.

Cầu Chương Dương đã đi vào lịch sử với tên tuổi đồng chí Bùi Danh Lưu. Trả lời về việc thuyết phục thành công cấp trên thay đổi quyết định ông nói: "Bên cạnh những lý lẽ khoa học thì đặc biệt là phải hết sức công tâm vì nước, vì dân. Bởi tiền chúng ta xây cầu cũng là tiền của dân mà".